MẮT KÍNH THỜI TRANG

NAM | NỮ | TRẺ EM | THỜI TRANG | HỌC ĐƯỜNG

Trang

Trang

KÍNH ÁP TRÒNG

TS BS Trần Hải Yến , Ths  Đinh Trung Nghĩa, Ths Trần Hoài Long
 BV Mắt TP.HCM

Tật khúc xạ bao gồm: cận thị, viễn thị, loạn thị, trong đó loạn thị có thể xảy ra riêng lẻ nhưng cũng có thể kết hợp với cận thị hoặc viễn thị. Mở rộng ra, có thể kể thêm lão thị và mắt mổ cườm không đặt kính nội nhãn. Có nhiều cách điều chỉnh tật khúc xạ hiện nay như:

-           Đeo kính gọng đúng với tật khúc xạ của mình.

-           Đeo kính áp tròng (còn gọi là kính sát tròng, kính tiếp xúc, contact lens...).

-           Đeo kính chỉnh hình giác mạc vào ban đêm (Ortho - K)

-           Phẫu thuật khúc xạ (Lases Excimer, Femtosecond)

Kính áp tròng là một phương thức điều chỉnh tật khúc xạ tạm thời.

1. Kính áp tròng có mấy loại?

Kính áp tròng có 2 loại chính là kính cứng và kính mềm.

-           Gọi là kính cứng vì độ cứng của kính như móng tay. Những kính làm bằng chất liệu mới thường có tính thấm khí tốt do đó còn được gọi là kính cứng thấm khí. Kính cứng thường có đường kính nhỏ hơn giác mạc.

-           Kính mềm thường mềm như cơm quả nhãn và luôn được đặt trong trạng thái ẩm ướt để bảo quản kính.

2. Kính áp tròng có thể điều chỉnh tật khúc xạ như thế nào?

Về nguyên tắc, kính áp tròng có thể điều chỉnh các tật cận, viễn, loạn, kể cả lão thị và tật không có thủy tinh thể. Ở Việt Nam, thông dụng nhất là kính áp tròng mềm dành cho tật cận thị. Các loại kính áp tròng dành cho tật viễn thị, loạn thị, kính dùng cho người lão thị, kính cứng thấm khí hiện chưa thông dụng.   

3. Ưu điểm của kính áp tròng là gì?

Kính áp tròng giúp bệnh nhân có hình ảnh trung thực, mang tính thẩm mỹ cao, thuận tiện trong các hoạt động thể thao hoặc nghệ thuật. Ưu điểm của kính áp tròng chính là có thể khắc phục những khuyết điểm mà kính gọng gặp phải như:

-           Mất thẩm mỹ, nhất là đối với tật khúc xạ nặng.

-           Giới hạn thị trường (vùng nhìn thấy) do gọng kính.

-           Làm không gian và cảnh vật xung quanh bị biến dạng.

-           Hạn chế đối với một số nghề nghiệp hoặc trong khi chơi thể thao.

-           Không thể đeo được khi bất đồng khúc xạ quá nặng (chênh lệch độ giữa hai mắt

Ngoài ra, kính áp tròng còn có một số ưu điểm đặc biệt như:

-           Kính áp tròng thẩm mỹ thời trang có thể tạo cảm giác thay đổi màu mắt.

-           Kính áp tròng dùng để che sẹo đục trên giác mạc.

-           Kính áp tròng băng mắt dùng trong điều trị.

-           Kính áp tròng dùng cho các trường hợp giác mạc chóp.

4. Đeo kính áp tròng mềm ngậm nước như thế nào?

Kính áp tròng không đơn giản chỉ là một miếng nhựa hình chỏm cầu áp vào mắt mà cần có sự đo đạc và tính toán bằng công thức chuyên biệt để tìm ra những thông số riêng phù hợp với mắt mỗi người. Kỹ thuật viên khúc xạ hoặc bác sĩ chuyên khoa mắt dựa trên những thông số này và nhu cầu, đặc thù nghề nghiệp, đặc điểm chuyên môn cũng như khả năng tài chính của người sử dụng để giúp chọn lựa loại kính kình phù hợp nhất cho từng người.

Cách đeo kính mềm sẽ tùy theo thời hạn thay của kính. Người sử dụng kính cần tuân thủ theo lịch thay kính để bảo đảm an toàn cho mắt.

Kính mềm ngậm nước chủ yếu chia làm 2 loại: loại đeo một thời gian nhất định trong ngày rồi phải tháo ra trước khi ngủ và phải ngâm rửa và loại có thể đeo ngủ qua đêm. Ở Việt Nam hiện chưa thông dụng loại kính đeo ngủ qua đêm và điều kiện Việt Nam cũng chưa phù hợp cho cách đeo này.

Loại thay mỗi ngày:

-           Kính được đeo vào buổi sáng, lấy ra vào buổi tối và được bỏ đi, ngày hôm sau thay bằng kính mới.

-           Loại này không cần dung dịch ngâm kính.

Loại thay theo hạn định: có thể thay từ 2 tuần đến 6 tháng

-           Loại thay mỗi 2 tuần: hiện chưa có tại Việt nam.

-           Loại thay mỗi tháng: thông dụng nhất – có ưu điểm ít bị chất đóng trên bề mặt.

-           Loại thay mỗi 3 tháng.

-           Loại thay mỗi 6 tháng.

Loại truyền thống: (thay mỗi 12 tháng)

-           Loại này ngoài dung dịch bảo quản cần có chất enzyme (men) để tẩy chất protein đóng trên kính mỗi tuần.

5. Một số lời khuyên cho người sử dụng kính áp tròng:

Sau khi được hướng dẫn, nắm vững kỹ thuật cũng như các kiến thức chăm sóc, vệ sinh mắt cơ bản, người sử dụng có thể tự tháo lắp kính hàng ngày ở nhà. Vì vậy, bên cạnh những ưu điểm, kính áp tròng cũng có những điểm bất lợi mà người sử dụng cần lưu ý như:

-           Nên rửa tay sạch và lau bằng khăn khô sạch trước khi tháo hoặc lắp kính vào mắt.

-           Nên làm động tác chà xát kính và tráng rửa kính kỹ (dù một số dung dịch có ghi là chỉ cần tráng kính, không cần chà xát). Ngâm kính trong dung dịch bảo quản đủ thời gian trước khi đeo vào mắt.

-           Sau khi đeo kính vào mắt, nên đổ hết nước trong khay đựng kính và lau khô, mở nắp rồi để nơi thoáng sạch.  Nên thay khay đựng kính mỗi tháng.

-           Thay kính đúng hạn định (không nên đeo quá thời hạn mặc dù chúng ta cảm thấy chưa có gì khó chịu xảy ra)

-           Ngưng đeo kính ngay khi có các triệu chứng như mắt đỏ, mắt mờ, hoặc có cảm giác cộm xốn khó chịu và đến bác sĩ chuyên khoa mắt khám ngay.

-           Nên chuẩn bị một cặp kính gọng để đeo lúc ở nhà hoặc những khi mắt bị viêm. Đối với các loại kính áp tròng làm bằng chất liệu thông thường (không phải bằng Silicone Hydrogels) thì thời gian đeo kính mỗi ngày không quá 8 giờ. Quá thời gian đeo kính thì cần tháo kính ra và đeo kính gọng để cho mắt nghỉ ngơi.

-           Nên lắp kính vào mắt trước khi trang điểm và lấy ra trước khi tẩy trang.

-           Không nên đeo kính áp tròng khi đi bơi.

-           Cần tái khám định kỳ sau 1 tháng đối với lần đeo đầu tiên, và mỗi 6 tháng đối với những lần kế tiếp.

-           Trong thời gian đeo kính, nếu có sử dụng bất cứ loại thuốc nhỏ mắt nào không phải là nước mắt nhân tạo thì nên hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mắt.

Ngoài ra, việc quay trở lại bác sĩ chuyên khoa mắt tái khám và theo dõi định kỳ là hết sức cần thiết. Trung bình người sử dụng kính áp tròng được hẹn tái khám 6 tháng một lần, thời gian đầu có thể gần hơn. Trong những lần khám, các bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng của giác mạc (tròng đen), kết mạc (tròng trắng) và tình trạng khô mắt hoặc những tổn thương khác nếu có.

6. Các biến chứng nào thường gặp khi đeo kính áp tròng?

Kính áp tròng tiếp xúc trực tiếp với mắt, cụ thể là giác mạc, do vậy, khả năng nhiễm trùng, vi chấn thương hoặc chấn thương hoàn toàn có thể xảy ra. Giác mạc là một bộ phận rất quan trọng của mắt vậy nên mọi tổn thương dù nhỏ cũng cần được quan tâm điều trị kịp thời. Những vấn đề có thể rất nhẹ khó nhận biết qua cảm giác chủ quan, nhưng cũng có thể rất nặng gây đau nhức và giảm sút thị lực đột ngột. Tùy theo vùng tổn thương ở kết mạc và giác mạc, mức độ nông hay sâu ở từng vùng mà người ta phân ra loại biến chứng là nhẹ hay nặng.

Biến chứng nhẹ

-           Hội chứng đỏ mắt cấp tính: Hậu quả của đeo kính dài ngày, đeo qua đêm, hộp ngâm kính dơ. Thường bị một bên, mắt đỏ dữ dội, chảy nước mắt (giàn giụa), chói sáng, sợ sáng. Cần ngưng sử dụng kính tạm thời và nhỏ nhiều nước mắt nhân tạo rồi tới bác sĩ khám để kiểm tra mức độ nghiêm trọng.

-           Viêm kết mạc cấp: Có thể do nhiễm khuẩn từ môi trường bên ngoài khi chăm sóc mắt như tay không rửa sạch trước khi tháo và lắp kính, hộp đựng kính dơ, chai nước rửa kính bị nhiễm khuẩn, thuốc nhỏ mắt bị nhiễm khuẩn… Thường sẽ có cảm giác cộm xốn, mắt đỏ rực, chảy ghèn. Cần ngưng sử dụng kính ngay và đi khám. Đa số các trường hợp sẽ hết sau 7-10 ngày điều trị bằng kháng sinh tại chỗ, sau đó có thể sử dụng kính trở lại.

-           Viêm kết mạc mạn: Xảy ra do niêm mạc ở mặt trong mí mắt cọ sát vào kính trong thời gian dài, kính không sạch, không phù hợp (quá chặt) hoặc kính hư. Đây là một phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với vật lạ, hoặc tác nhân kích thích mạn tính. Mắt đỏ ở mức vừa phải, có thể tiết dịch nhầy, dai, có cảm giác cộm xốn. Cần ngưng mang kính sát tròng thời gian dài và bác sĩ sẽ cho thuốc điều trị tùy theo tổn thương. Thay kính mới, chọn kính theo đúng các thông số đo đạc của mắt. Sau khi tiếp tục đeo kính cần được bác sĩ theo dõi, nếu tình trạng trên tái phát nên ngưng mang kính hoàn toàn.

-           Khô mắt: Trường hợp nhẹ có cảm giác khô, rát, ngứa mắt;  khô mắt nặng gây cảm giác nóng, châm chích như có cát trong mắt, có thể dẫn đến viêm làm có ghèn, thị lực dao động lúc rõ lúc mờ. Những trường hợp này đa số chỉ cần nhỏ các loại nước mắt nhân tạo, mức độ nhẹ các bác sĩ sẽ cho những thuốc có thành  phần khác nhau phù hợp, nặng hơn có thể cần hút, đốt điểm lệ hoặc dùng thuốc đặc hiệu ức chế miễn dịch.

-           Phù và viêm biểu mô giác mạc: Biểu hiện cấp tính của thiếu oxy giác mạc khi đeo kính sát tròng. Thường không có triệu chứng, có thể hơi cộm, đỏ mắt, chảy nước mắt và chói sáng nhẹ. Cần bổ sung nước mắt nhân tạo và giảm thời gian đeo kính trong ngày, không nên dùng loại kính đeo qua đêm.

-           Tân mạch giác mạc: Biểu hiện mạn tính của thiếu oxy giác mạc khi đeo kính sát tròng. Không có triệu chứng, có thể gây đỏ mắt, thường chỉ phát hiện khi bác sĩ khám trên kính hiển vi, trừ trường hợp quá nặng lan tỏa đến trục quang học gây mờ.

Biến chứng nặng

Xảy ra khi tổn thương xâm lấn vào sâu trong giác mạc.

-           Trợt giác mạc: Do bị tróc biểu mô (lớp trên cùng của giác mạc), bệnh nhân có thể thấy đau, cảm giác có bụi trong mắt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và luôn muốn nhắm mắt lại. Nguyên nhân có thể do móng tay cào phải khi tháo lắp kính. Biểu mô trầy trợt là vết thương hở, tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân nhiễm trùng xâm nhập gây viêm loét giác mạc. Cần ngưng đeo kính và đến khám bác sĩ ngay để được điều trị đúng cách, không tự mua thuốc nhỏ, dùng thuốc không đúng loại có thể làm tình trạng nặng thêm.

-           Loét giác mạc do amib: Kính áp tròng là vật chủ trung gian cho Acanthamoeba amib, tác nhân này có thể gây viêm loét và hủy hoại giác mạc trầm trọng. Vì vậy, không được ngâm kính tiếp xúc bằng nước thường không có chất sát khuẩn. Khi bị nhiễm amib, thị lực suy giảm nhanh, trầm trọng, mắt đau nhức dữ dội, kích thích, chảy nước mắt giàn giụa, sợ ánh sáng, trên tròng đen có đám trắng đục. Bệnh nhân cần được điều trị cấp bách và tích cực ở cơ sở chuyên khoa. Sau khi hết viêm thường để lại sẹo đục trên tròng đen và giảm thị lực, có thể cần phải  ghép giác mạc.

-           Loét giác mạc do vi khuẩn: Triệu chứng tương tự như loét do amib, nhưng mức độ nặng nhẹ, tùy thuộc loại vi khuẩn, thời gian phát hiện cũng như mức độ đáp ứng điều trị với thuốc.

-           Loét giác mạc do nấm: Thường âm ỉ, ít đau, chỉ có đốm trắng đục trên tròng đen. Nhưng khó điều trị và dễ dẫn đến hậu quả nặng nề.

Tóm lại, khi sử dụng kính sát tròng, bạn cần đi khám định kỳ và thường xuyên. Nếu thấy bất cứ dấu hiệu nào khác thường, cần ngưng đeo kính sát tròng và đi khám ngay để được điều trị đúng và kịp thời.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét